Lượt xem: 1054

Cơ bản tìm được giải pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên cây dừa

Kể từ tháng 3 năm 2021, sâu đầu đen bắt đầu xuất hiện và gây hại nghiêm trọng nhiều diện tích trồng dừa tại khu vực ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú. Mặc dù không phải là đối tượng sâu hại mới, nhưng đây là lần đầu tiên sâu đầu đen xuất hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Với mức độ gây hại nghiêm trọng và tốc độ lây lan khá cao; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp cùng chuyên gia đến từ các viện, trường đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phòng trừ nhằm hạn chế mức độ thiệt hại trên diện rộng.

    Những tán dừa khô héo, hàng loạt cây dừa liên tục bị đốn bỏ. Những hình ảnh này đang là thực trạng chung của rất nhiều vườn dừa ở ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú. Nếu như trong những mùa khô trước, 03 công dừa mang đến cho ông Lê Văn Sơn nguồn thu gần 02 triệu đồng khi bán trái; thì mùa khô năm nay, năng suất và lợi nhuận đều bị ảnh hưởng khá nặng nề khi vườn dừa của gia đình  xuất hiện sâu đầu đen gây hại. Theo ông Sơn, nếu vẫn không tìm được giải pháp phòng ngừa kịp thời thì việc đốn bỏ vườn chỉ còn là chuyện sớm muộn. Ông Sơn chia sẻ: “Vườn dừa của tôi bị sâu đầu đen tấn công hết 40% diện tích rồi nên từ tết đến giờ chỉ bán được hơn 200 nghìn thôi. Con sâu này tàn phá khiến cây dừa không cho trái, nó ăn từ dưới lên tới trên đọt. Vườn này chừng 01 hoặc 02 tháng nữa mà không trị dứt điểm thì chỉ có cưa bỏ thôi”.


Tiến hành thả thiên địch đối kháng để phòng trị sâu đầu đen gây hại trên cây dừa. Ảnh Ngọc Thơ

 

    Sâu đầu đen hại dừa là một loại sâu hại nghiêm trọng có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ và Sri LanKa. Loài sâu này vẫn đang lây lan và gây hại nặng tại Thái Lan và miền Nam Trung Quốc. Tại Thái Lan, sâu đầu đen lần đầu tiên xuất hiện và gây hại từ năm 2008 với 200 - 320 ha bị nhiễm, sau đó tăng lên 48.000 ha trong năm 2010. Sự lây lan nhanh chóng của loài sâu này gây ra lo ngại đáng kể về tác động đối với nền kinh tế và môi trường vì khả năng lan sang các khu vực khác của chúng rất cao. Riêng tại Việt Nam, sâu đầu đen xuất hiện đầu tiên tại Bến Tre từ tháng 7 năm 2020 với khả năng tàn phá nghiêm trọng, gây thất thoát lớn về lợi nhuận kinh tế cho nhà vườn.

    Toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 8.600 hecta trồng dừa, riêng diện tích dừa tại huyện Long Phú là gần 1.900 hecta. Trong trường hợp sâu tiếp tục bùng phát mạnh ở diện rộng và nghiêm trọng, hàng nghìn cây dừa có thể bị ảnh hưởng và tàn phá nặng nề; năng suất cho trái có thể bị giảm đi hơn 50% do sự sụt giảm về số lượng cụm hoa, tăng tình trạng rụng trái non, thân cây bị co thắt lại và chậm phát triển. Theo khảo sát, sâu thường xuất hiện ở những cây dừa lâu năm nhiều hơn so với những cây dừa còn non.

    Ngay sau khi phát hiện đối tượng sâu dừa gây hại; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Phòng Bảo vệ thực vật phối hợp với các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố tiến hành điều tra, rà soát lại tình hình nhiễm sâu đầu đen gây hại trên cây dừa. Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích nhiễm sâu đầu đen gây hại trên dừa là 10,51 hecta (trong đó, nhiễm nhẹ là 2,9 hecta, nhiễm trung bình 3,4 hecta và nhiễm nặng là 4,21 hecta); tập trung tại ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú. Đồng thời, tại ấp An Hưng có xuất hiện rải rác và có xu hướng lây lan nhanh sang các khu vực lân cận có trồng dừa.

    Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã phối hợp cùng Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị và bà con nông dân tại khu vực bị ảnh hưởng nhằm giúp nông dân nắm rõ hơn về đặc điểm sinh học, mức độ gây hại của sâu đầu đen để có cách quản lý phù hợp, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại. Các đơn vị cũng đã tổ chức trao tặng nấm xanh nhằm đánh giá khả năng phòng trị sâu đầu đen; đồng thời, tiến hành thả 01 số loài thiên địch nhằm kiểm tra tác động của thiên địch đối với việc ngăn chặn sâu hại tàn phá trên dừa. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng - Nguyễn Thành Phước khuyến cáo: “Cho đến thời điểm này, chúng tôi cơ bản đã tìm được một số giải pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan và gây hại của sâu đầu đen. Theo đó, bà con có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học như là vi khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt), liều lượng 80 – 100 ml pha với 20 lít nước, phun đảm bảo ướt đều lá (3 – 4 lít/cây), cần phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần. Đặc biệt phun chế phẩm sinh học Bacillus thuringiensis (Bt) có hiệu quả đối với ấu trùng sâu đầu đen, an toàn đối với người và động vật. Sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh, liều lượng 100 gram pha với 50 lít nước, phun đảm bảo ướt đều lá (3 – 4 lít/cây), cần phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần. Chế phẩm sinh học nấm xanh đặc biệt có hiệu quả khi phát hiện cây dừa mới bị sâu sâu đầu đen tấn công và gây hại, an toàn đối với người và môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, sử dụng bọ đuôi kìm vàng, kiến vàng,… đối kháng trực tiếp với sâu đầu đen. Đây là 02 loại thiên địch có hiệu quả cao trong việc khống chế mật số sâu đầu đen nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan sang các vườn lân cận. Vì chúng là loài thiên địch thuộc nhóm ăn thịt, bắt mồi nên khả năng tấn công và tiêu diệt sâu đầu đen rất nhanh. Đa số diện tích trồng dừa phân bố rải rác tại các khu dân cư nên việc sử dụng thuốc hóa học sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, để quản lý, phòng trị sâu đầu đen hại dừa một cách hiệu quả nhất thì bà con nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học hoặc thuốc có chứa hoạt chất ít độc cho môi trường để bảo vệ thiên địch, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế”.

    Nếu như những loại cây ăn trái khác cần từ 03 năm đã có thể tiến hành cho đậu trái thì với cây dừa phải mất thời gian từ 6 đến 7 năm. Chính vì thế, một khi sâu đầu đen gây hại đến mức phải phá bỏ vườn thì khả năng phục hồi sẽ rất lâu, việc chuyển đổi cây trồng cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc cải tạo lại nền đất. Do đó, bên cạnh các giải pháp đã được khuyến cáo, ngành chuyên môn lưu ý bà con cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện và có biện pháp phòng trừ kịp thời sâu đầu đen gây hại cây dừa. Khi phát hiện sâu đầu đen mới xuất hiện và gây hại thì tiến hành cắt những tàu lá dừa bị gây hại đem ngâm chúng dưới mương có nước hoặc đem đi đốt ngay lập tức trong ngày để tiêu hủy nhằm tránh lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, thường xuyên phát hoang những cây trồng xen không hiệu quả kinh tế làm che phủ vườn dừa để hạn chế sâu hại tấn công và tạo điều kiện cho vườn thông thoáng giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 45
  • Hôm nay: 778
  • Trong tuần: 70,111
  • Tất cả: 11,864,138